Với những giá trị lịch sử, kiến trúc tiêu biểu, đình và miễu Cao Đài được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia từ năm 1964.
.jpg)
Di tích quốc gia đình - miễu Cao Đài ở xã Mỹ Lộc, TP Nam Định. Ảnh: Hà Vi
Tọa lạc ở xã Mỹ Lộc (huyện Mỹ Lộc cũ, nay là TP Nam Định, tỉnh Nam Định), đình và miễu Cao Đài thờ Thượng tướng Thái sư Chiêu minh Đại vương Trần Quang Khải và phu nhân là Công chúa Phụng Dương. Vào thời Trần (thế kỉ 13 - 14), khu vực này là Thái áp Độc Lập, nơi sinh sống của gia đình Thái sư, một cứ điểm quân sự bảo vệ Hành cung Thiên Trường trong kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên.
Sau khi Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải và Công chúa Phụng Dương mất, nhân dân đã xây dựng đình Cao Đài để tưởng nhớ công lao của ông và phu nhân trên phần đất trước là thái ấp.

.jpg)
Di tích quốc gia đình - miễu Cao Đài thờ Thượng tướng Thái sư Chiêu minh Đại vương Trần Quang Khải và phu nhân là Công chúa Phụng Dương. Ảnh: Hà Vi
Theo lưu truyền về lịch sử được trưng bày tại đình Cao Đài, ngôi đình được khởi dựng vào thời Hậu Lê, thế kỉ 17. Ban đầu, ngôi đình cổ chỉ có tòa trung đường và hậu cung, gọi là đền thờ Đại vương, đến thời Nguyễn xây dựng thêm tòa tiền đường 5 gian và 2 giải vũ được gọi là đình Cao Đài.
Với những giá trị văn hóa lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, năm 1964, đình và miễu Cao Đài được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Mã - Thủ nhang đình Cao Đài cho biết, trải qua hàng trăm năm, ngôi đình cổ bị xuống cấp và nhiều lần được tu sửa. Các hạng mục bằng gỗ thường bị mối mọt, mục cũng được thay thế, gia cố và nhiều hạng mục được xây dựng lại.
.jpg)
Bên trong đình Cao Đài. Ảnh: Hà Vi
.jpg)
Tấm bia đá cổ được lưu giữ ở đình - miễu Cao Đài. Ảnh: Hà Vi
.jpg)
Khu mộ Phụng Dương công chúa đặt trên một gò đất cao. Ảnh: Hà Vi
Ngày nay, đình Cao Đài có lối kiến trúc kiểu tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh. Tòa chữ Đinh gồm đại bái và hậu cung. Bộ khung làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói Nam.
Di tích còn bảo lưu được nhiều mảng chạm với các đề tài phong phú, nổi bật nhất là 2 cột cái và bộ cánh cửa giữa tòa trung đường được chạm khắc rất tinh xảo, với đề tài rồng, tiên nữ, hoa lá chim muông. Đây là những tác phẩm chạm khắc gỗ mang phong cách nghệ thuật thế kỉ 17. Tại tòa trung đường, trên một xà trước cửa hậu cung chạm dòng chữ Hán "Đại vương Thượng đẳng thần từ".
Bên cạnh đó, đình Cao Đài còn lưu giữ được một số hiện vật quý, trong đó phải kể đến tấm bia đá thời Trần dựng năm 1293.
Phía trước khuôn viên di tích quốc gia đình Cao Đài còn có khu mộ Phụng Dương công chúa đặt trên một gò đất cao, cây cối tươi tốt, tỏa bóng mát xung quanh.
Theo Báo Lao động