Về Điện Biên những ngày tháng Ba, hoa ban bung nở rực rỡ khắp không gian. Về để thấy Điện Biên “núi đầy trong mắt, hoa về trong sương” mà càng thêm trân trọng, tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024. Ảnh: Mai Giáp
Trên hành trình về nguồn gắn với kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nếu may mắn du khách sẽ được đắm mình trong không gian Lễ hội Hoa Ban - một lễ hội đã gắn liền với hình ảnh đẹp về mảnh đất và con người vùng đất Tây Bắc này. Lễ hội năm nay nằm trong chuỗi sự kiện đặc sắc, gắn với khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2024 - Điện Biên, nên càng thêm sống động và giàu màu sắc. Nổi bật nhất có lẽ là chương trình nghệ thuật phản ánh những nét đặc trưng tiêu biểu nhất về văn hóa các vùng miền; quảng bá tiềm năng phát triển du lịch của cả nước có sự gắn kết giữa các vùng, miền và với bản sắc văn hóa các dân tộc Điện Biên - Tây Bắc; đồng thời, gửi đến bạn bè, du khách trong nước và quốc tế lời mời thân thương “Về miền Hoa Ban”. Chưa hết, đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Điện Biên tổ chức trình diễn show thực cảnh và giới thiệu các huyền tích, lịch sử, các vũ điệu dân gian đặc sắc, văn hóa dân gian dân tộc Thái. Show thực cảnh không chỉ mang đến những màn trình diễn độc đáo, mà còn là một góc nhìn đặc sắc, thú vị về lịch sử, văn hóa và mảnh đất Điện Biên, Tây Bắc. Ngoài ra, đến với Lễ hội Hoa Ban cũng là dịp để du khách đắm mình trong không gian của các điệu xòe Thái, khèn Mông – những di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, Mông đã bao đời quần tụ trên mảnh đất này mà sáng tạo và trao truyền đến hôm nay.
Sau khi hòa mình vào không gian văn hóa đầy màu sắc của Lễ hội Hoa Ban, du khách hãy khám phá một vòng TP Điện Biên Phủ - “trái tim” của Điện Biên. Đến Điện Biên Phủ tháng Ba - thời khắc lịch sử quân ta nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm hùng mạnh của thực dân Pháp cách đây 70 năm – để cảm nhận không khí hào hùng đầy tràn trong mắt, căng chặt trong tim những con người từng sống và chiến đấu trên mảnh đất này. Đi qua những tháng năm gian khó, Điện Biên Phủ giờ đây ví như một bức tranh non cao, mây trắng bình yên níu chân du khách có dịp tìm về. Đó là “thành phố trong thung lũng hoa... hoa ban trắng nở chờ ai mãi bên đường”. Bước chân qua từng góc phố, thả hồn theo mỗi cánh hoa mỏng manh như một đốm sáng, để cái không khí yên bình ấy dẫn dắt ta đi về phía ánh sắc trắng tinh khôi, sắc hồng nồng ấm. Dọc đôi bờ Nậm Rốm hanh hao nắng đầu mùa, mỗi gốc ban là một “cột sáng” tề tựu bên nhau để thổi bừng lên sức sống mới trên mảnh đất một thời đỏ lửa chiến tranh. Đã đi qua 70 năm kể từ cuộc đụng đầu lịch sử đã làm nên chiến thắng lừng lẫy, TP Điện Biên Phủ nay đã xanh màu sự sống. Dọc ngang phố xá đã thay cho hố bom; và dây thép gai trên những hầm hào giờ chỉ còn nằm đó như chứng nhân của một thời hoa lửa. Máu của cha anh ta đổ xuống đã ngấm vào từng thớ đất để ươm dậy mùa màng trên cánh đồng Mường Thanh mùa xuân này...
Nhắc đến Điện Biên là nhắc nhớ đến quá khứ lịch sử hào hùng. Quá khứ ấy cho đến ngày nay vẫn hiện hữu cùng hệ thống di tích vô cùng giàu giá trị, với nhiều cái tên nổi bật như đồi A1, đồi Ðộc Lập, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, cầu Mường Thanh, hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hầm Đờ-cát), tượng đài chiến thắng, tượng đài kéo pháo, Sở chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ... đã và đang trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trên hành trình về nguồn của người dân đất Việt. Tính đến nay, tỉnh Điện Biên có 33 di tích đã được xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt; 14 di tích quốc gia; 18 di tích cấp tỉnh). Đặc biệt, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, với bức tranh Panorama lớn nhất được hơn 200 họa sĩ hoàn thành trong gần 3 năm, với tổng diện tích 3.225m2 và hơn 4.500 nhân vật, chắc chắn sẽ là điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch. Ngoài ra, với cộng đồng 19 dân tộc anh em sinh sống bao đời đã bồi tụ nên một nền văn hóa rất đặc sắc cả về ngôn ngữ, phong tục, tập quán... Nhờ đó, hiện tỉnh Điện Biên có 18 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó 2 di sản được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhận loại là di sản nghệ thuật xòe Thái và di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam).
Điện Biên núi liền theo núi tạo nên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, cũng mang đến nhiều trải nghiệm thú vị. Đó là hệ thống hang động vừa mang giá trị khoa học (giá trị địa học); vừa giàu giá trị thẩm mĩ; lại vừa có giá trị lịch sử, tín ngưỡng. Trong đó, nhiều hang động đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, như động Pa Thơm, Chua Ta, Khó Chua La; hay các hang động Thẳm Khến, Xá Nhè, Mường Tỉnh, Thẳm Khương... từ lâu đã là điểm đến thu hút khách du lịch. Đặc biệt, để gia tăng trải nghiệm cho du khách, tỉnh tập trung khai thác các loại hình du lịch sông nước, như tham quan, ngắm cảnh lòng hồ thủy điện, du lịch trên sông Đà, du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng với một số điểm du lịch nổi tiếng U Va, Hua Pe... Chưa hết, những năm gần đây, tỉnh Điện Biên còn quan tâm đầu tư nhiều hoạt động vui chơi giải trí, các dịch vụ phục vụ du lịch. Đến nay, đã có 15 điểm vui chơi, giải trí như Đào Viên Sơn, Tằng Quái Park, Tằng Quái Lầu, Tằng Quái Bin (huyện Mường Ảng), Pha Đin Pass, Pu Pha Đin (huyện Tuần Giáo), thung lũng Hoa Hồng (huyện Điện Biên), Hồ Noong U, đỉnh Phù Lồng (huyện Điện Biên Đông)... Các điểm vui chơi này đã mang đến cho khách du lịch thêm nhiều trải nghiệm thú vị, góp phần đưa Điện Biên trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn hơn.
Vẻ đẹp hoa ban níu chân du khách. Ảnh: T.
Với quá khứ lịch sử hào hùng gắn với hệ thống di tích giàu giá trị; cùng kho tàng văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Điện Biên đang có nguồn tài nguyên du lịch dồi dào để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Điện Biên đã và đang tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, những năm gần đây Điện Biên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, Hải Phát, Flamingo... đến khảo sát, ký kết các thỏa thuận đầu tư và triển khai xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng, khách sạn trên địa bàn. Riêng giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã huy động được trên 5.000 tỷ đồng từ các thành phần kinh tế, để đầu tư nhiều công trình thương mại, du lịch, dịch vụ, khách sạn, vui chơi giải trí. Điển hình như Trung tâm thương mại và nhà ở thương mại TP Điện Biên Phủ; khu dân cư đô thị mới phía Bắc đường Hoàng Văn Thái - Khe Chít, TP Điện Biên Phủ; chợ và thương mại dịch vụ Mường Thanh; khu thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí ven sông Nậm Rốm; Khách sạn Mường Thanh Điện Biên...
Ngoài ra, để thu hút du khách, Điện Biên cũng đẩy mạnh công tác quảng bá về đất và người Điện Biên. Tổ chức các đoàn famtrip khảo sát, xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch mới. Tăng cường cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp du lịch hoạt động kinh doanh hiệu quả... Với sự nỗ lực lớn và nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả, Điện Biên ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Riêng trong năm 2023, tỉnh Điện Biên ước đón trên 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 23% so với năm 2022; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 1.750 tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm 2022. Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch ước đạt 2,6 ngày.
Năm 2024 gắn với kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, là sự kiện chính trị lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn của cả nước. Tỉnh Điện Biên xem đây là cơ hội để tạo sự đột phá, nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ đó, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng trung du miền núi phía Bắc.
Nguồn Baothanhhoa