banner 728x90

Xuất gia hay ở chùa?

05/06/2024 Lượt xem: 2385

Sự kiện Thái tử Sĩ Đạt Đa (Siddhartha) từ bỏ tất cả những lạc thú, hứa hẹn quyền lực, sở hữu tài sản, danh vọng để trở thành vị khất sĩ là nguồn cảm hứng vô tận cho hướng sống tỉnh thức, tự tại giữa những ràng buộc đời thường.

Người tu - biểu tượng của đạo đức

Không biết từ bao giờ, hình ảnh người tu trong cái nhìn của số đông, mặc nhiên là biểu tượng của đạo đức, giải thoát. Đối diện một vị “đầu tròn áo vuông”, người ta không cần biết trước đó họ là ai, mà chỉ nghĩ trong hiện tại, họ là người thầy tâm linh, xuất gia dấn thân sống theo hạnh của Đức Phật. Cũng chính vì lẽ đó, khi một người trong hình thức xuất gia có bất cứ suy tư, lời nói và hành vi cử chỉ không phù hợp với mẫu mực đạo đức lý tưởng đã định hình trong tâm thức của mọi người, thì họ phải nhận về những chỉ trích, phê bình khắt khe.

Đó cũng là nguyên nhân của nhiều câu chuyện rùm beng trong dư luận, được báo chí và mạng xã hội thổi bùng thành lửa ngọn trong khu vườn Phật giáo, khiến nhiều người bức xúc, gây nên những ảnh hưởng, thậm chí có thể nói là xấu xí đến hình ảnh của đạo Phật, tổ chức Giáo hội.

Hiện tượng “Thích Tâm Phúc” ở Củ Chi trở thành chủ đề trên mạng xã hội trong cụm từ bỡn cợt “thầy chùa ăn thịt chó”, đã xảy ra rất lâu nhưng vẫn chưa lắng trên mạng xã hội một thời. Còn người xem, còn kiếm lợi được từ những đoạn clip liên quan, các YouTuber vẫn tiếp tục khai thác hình ảnh nhân vật này. Họ bất chấp đó là người đã giả danh, ngụy tạo các giấy tờ chứng nhận tu sĩ, bổ nhiệm trụ trì, cả tới các bằng khen, huân chương cao quý của Nhà nước và Giáo hội.

Thông tin cứ vậy xoáy vào danh nghĩa “thầy chùa”, “cựu tu sĩ”, “cựu trụ trì”… khi đề cập tới một vài cá nhân từng ở chùa có hành vi phạm pháp, ngầm nói lên tình trạng đạo đức suy thoái tột cùng, dẫu đó cũng chỉ là hoàn cảnh cá biệt.

Người xuất gia và cư sĩ ở chùa

Không phải ai ở chùa, trong hình thức “đầu tròn áo vuông” cũng là người xuất gia. Đó là điều mà trước đây, Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN- Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã từng phân định khi nói đến hiện tượng một vài cá nhân có biểu hiện vi phạm giới luật, sống buông thả. “Người xuất gia nếu không dụng công tu tập thì chỉ là người tại gia ở chùa”, ngài minh định.

Gần đây, dư luận đã hết sức gay gắt phê phán, mỉa mai một vị đang là chức sắc của Giáo hội cấp huyện “thường trú” trên mạng xã hội khi những hình ảnh của vị này đi làm thẩm mỹ, bơm dái tai để dài ra cho giống tai… Phật. Hình ảnh đó vẫn đang là chủ đề để một số người ác ý với Phật giáo sử dụng để nhắm vào chỉ trích đoàn thể người xuất gia.

Một bài kệ mà bất cứ người nào phát tâm và được chấp nhận cho xuất gia tại thời điểm “xuống tóc”, cũng như được nhắc lại mỗi khi cạo bỏ râu tóc là đừng quên chí nguyện của người xuất gia, lấy việc dụng công tu tập quan trọng hơn tất cả hình thức đẹp đẽ của con người theo lẽ thường tình. Do đó, việc đi đến một cơ sở thẩm mỹ để “sửa sang” như vị kia thì thật là bi hài. Như lời của Đức Phật trong kinh Kim cang, nếu ai mong muốn tìm thấy Đức Như Lai qua hình tướng bên ngoài thì thật là lầm lạc và chẳng bao giờ thấy được Phật.

Nếu lãng quên mục tiêu, xa rời lý tưởng và chí nguyện của người xuất gia được phòng hộ bởi giới luật, củng cố bởi định lực và soi sáng dưới tuệ giác của sự tu tập, thì người ở chùa chắc chắn sẽ bị cuốn theo lối sống hưởng thụ với tiền bạc, sắc dục, danh vọng, quyền lực…

Người xuất gia rời bỏ lý tưởng là tự hủy hoại chính mình

Với lịch sử hai ngàn năm, Phật giáo đã trở thành một tín ngưỡng trong dân gian, hình thành các giá trị đạo đức phổ quát của người Việt. Cũng chính trong chiều dài lịch sử ấy, Phật giáo đã có sự tiếp biến, mang trên cơ thể nhiều dấu ấn của văn hóa bản địa và thời đại trong tinh thần gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Chính vì thế, nửa đầu thế kỷ XX, chư vị tôn túc Tăng, Ni, cư sĩ đã nỗ lực đi ngược dòng để làm nên công cuộc chấn hưng Phật giáo, đáng tiếc công cuộc ấy đang nửa chừng thì đất nước lại bị chia đôi hai miền với bối cảnh xã hội khác nhau. Trên cơ thể đạo Phật Việt Nam, như cây đa tán lá sum suê, vẫn còn nhiều đám tầm gửi ký sinh trên thân, cành của cả quá trình lịch sử lâu dài du nhập và phát triển cùng xứ sở này.

Nếu mỗi người đệ tử Phật nhận thức được trách nhiệm chính của mình, không rời lý tưởng, đặc biệt đối với người xuất gia mỗi ngày sống trong chánh niệm, tự xoa đầu mình để nhớ lại sự kiện rời bỏ cung vàng điện ngọc, những lạc thú và hứa hẹn sự giàu có, quyền lực, để dấn thân thực nghiệm tâm linh, đạt đến giải thoát và giác ngộ hoàn toàn. Có trăn trở như thế mới hầu mong sẽ tự nhắc nhở chính mình và khích lệ người khác cùng đi trên con đường cao thượng.

Xét cho cùng, mục tiêu của đời sống con người là hạnh phúc. Khi không nếm được hương vị của tuệ giải thoát do giữ gìn giới, rèn luyện thiền định và trau dồi chánh kiến thì chắc chắn họ sẽ tìm kiếm những giá trị hạnh phúc giữa đời thường, lao vào những mưu cầu, chiếm đoạt hay sở hữu đầy toan tính thường tình. Họ, nói như Đức cố Đệ tam Pháp chủ GHPGVN, cũng chỉ là kẻ ở chùa chứ không hề là người tu.

Mong rằng những hiện tượng xấu xí đã diễn ra chỉ và mãi là hiện tượng cá biệt, dẫu cho nó vẫn tồn tại đâu đó, gây ảnh hưởng đến cái nhìn của một số người về Phật giáo, đoàn thể những người xuất gia - biểu tượng cho Tăng bảo, nhưng sẽ không thể hủy hoại được Chánh pháp - nguồn cảm hứng sống hướng đến giá trị hạnh phúc chân thực. Chánh pháp ấy, gần 2.600 năm trước đã được khơi mở bởi Đức Thích Ca, Người từ bỏ mọi giá trị vật chất để xuất gia và thành Phật - bậc đã giác ngộ hoàn toàn.

Thích Pháp Hỷ/Báo Giác Ngộ

 

Tags:

Bài viết khác

Lễ hội Đền Trần - Nơi hội tụ những giá trị văn hóa lịch sử

Vương triều Trần (1225-1400) là triều đại rực rỡ, thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, 3 lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược nước ta vào thế kỷ XIII. Trong đó, Vua Trần Nhân Tông sớm nhường ngôi cho con rồi lui về đi tu, trở thành vị Tổ sáng lập của Thiền phái Trúc Lâm. Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn lập bao chiến công hiển hách trong cả 3 lần chiến đấu chống quân Nguyên - Mông, khi hóa đã được nhân dân suy tôn là bậc thánh.

Vẻ đẹp của ngôi chùa gần 1.000 năm tuổi trên núi Long Đọi, Hà Nam

Chùa Long Đọi Sơn vừa mang vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng của ngôi cổ tự gần một nghìn năm tuổi, vừa mang đến cho du khách cảm giác bình yên, thanh tịnh.

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no"- Giúp người là tạo phước

Nối kết yêu thương, sẻ chia cuộc sống đem lại bình an và hạnh phúc cho con người là mục đích của đạo Phật. Làm từ thiện để đem niềm vui đến cho mọi người, khi gặp hoạn nạn, cơ hàn, khó khăn, cũng chính là đem niềm vui cho chính mình vậy. Từ lâu, việc bố thí cúng dường, giúp đỡ chia sẻ được Phật tử chan rải khắp ba miền, nam, trung, bắc, là nhịp cầu nối kết yêu thương, sẻ chia những nỗi niềm bất hạnh, đem đến hạnh phúc cho con người.

Ngày 7/7 Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau

Ngày lễ Thất tịch có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất phát từ sự tích Ngưu Lang Chức Nữ. Ngày này thường có mưa phùn dai dẳng, nên người Việt còn gọi là ngày ông Ngâu bà Ngâu.

Khám phá tháp cổ nghìn năm ở Bạc Liêu

Di tích tháp cổ Vĩnh Hưng được hoàn thiện vào thế kỷ IX, mang đặc trưng kiến trúc - tôn giáo của văn hóa Óc Eo, hiện đón hàng chục nghìn khách đến thăm mỗi năm.

Đến Thung Nham, ngắm hang động kỳ bí, vườn chim lớn nhất miền Bắc

Được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi, thung lũng, hang động và rừng nguyên sinh, Thung Nham là điểm đến hấp dẫn khi tham quan Ninh Bình. Các hang động nơi đây đẹp như bức tranh họa đồ.

BR-VT: Gần 400 Phật tử tham gia khóa tu Tổng đạo tràng lần III - năm 2024 tại chùa Bảo Tích

Trong chuỗi hoạt động Phật sự thường niên năm 2024, ngày 28-7, tại chùa Bảo Tích (xã Bàu Lâm, H.Xuyên Mộc), 4 ban chuyên môn trực thuộc Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã khai mạc khóa tu Tổng đạo tràng lần III năm 2024.

Nét đẹp kiến trúc cổ Đà Lạt

Đà Lạt - thành phố du lịch nổi tiếng, quanh năm mát mẻ, con người hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Đà Lạt đang lưu giữ hơn 2.000 biệt thự cổ, ẩn mình giữa đại ngàn thông xanh, luôn làm ngất ngây người dân và du khách thập phương.
Top